ĐỒI CHÈ CẦU ĐẤT ĐÀ LẠT
Đồi chè Cầu Đất thuộc Dran, là thị trấn nhỏ thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Cầu Đất nhỏ mà ẩn chứa vẻ đẹp miên man…
Đến với D’ran, bạn không chỉ được ngắm nhìn hoa dã quỳ vàng rực hai bên đường, những vườn rau xanh mát, những vườn hồng trĩu quả, mà còn được khám phá đồi chè Cầu Đất, đồi chè nổi tiếng thứ 2 sau đồi chè Bảo Lộc trên cao nguyên Lâm Đồng sương gió.
Khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, rất dễ chịu, với nhịp sống bình yên cùng với cảnh đẹp tựa như nàng tiên còn say giấc
Điểm xuyết vào màu xanh của đồi chè là sắc đỏ của những vườn cà chua, sắc cam vàng của trái hồng, sắc vàng của dã quỳ… Dã quỳ trải một màu vàng dịu khắp thị trấn, quấn quýt quanh từng gốc thông, từng góc phố, từng bờ tường…
D’ran gần Đà Lạt nên không khí mang đậm chất vùng cao, thời tiết ở đây bốn mùa rõ rệt trong ngày và cái lạnh thường xuất hiện vào buổi chiều kéo dài đến tối.
Dran cũng là một thị trấn mờ sương gắn bó với nhiều văn nghệ sĩ yêu cao nguyên Lâm Đồng, trong đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trong bức thư Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh ngày 11/11/1964 có đoạn:
“Anh đến đây thì anh Cường ở Dran chưa về. Anh leo lên căn nhà gỗ sàn – chung quanh là núi cao, là mây mù, là suối reo, là giá rét, là quạnh quẽ. Anh ngồi trong căn phòng riêng của anh Cường, chung quanh những bức tranh mang hình ảnh màu sắc của núi đồi này vừa lên xong. Và cơn mưa xám mù chợt đến… Ngoài kia trời chỉ còn thấy viền núi đen cao ngất bao quanh. Tiếng suối chảy buồn.”.
Trong bức thư ngày 12/11/1964, Trịnh Công Sơn cũng thổ lộ với Dao Ánh mong ước từ bỏ tất cả “những đua chen” để về sống tại Dran:
“Cuộc sống ở đây bình an dễ chịu. Có lẽ rồi anh cũng kiếm cách về đây, làm đồn điền và xa lánh những đua chen vô ích. Tìm một hạnh phúc nào nhỏ nhất cho vừa đời mình. Làm một căn nhà sàn với bàn ghế bằng những gốc thông ghép lại, sống rất gần với gỗ với cây với núi rừng với đất.”
Em lên phố núi vùng cao
Anh về phố cũ, tương tư nắng chiều.
Em muốn về cùng anh mùa thu cũ
Nhặt lá vàng nhắn nhủ hẹn mùa xuân
Gió heo may tim giá lạnh tần ngần
Vòng tay ấm bờ vai gần thêm nữa…
Em vẫn đợi lối xưa mùi thạch thảo
Đêm nồng nàn chao đảo cả giấc mơ
(Thơ Thảo Nguyên)