“Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ lá. lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân. Tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài”
Tình cờ nhớ lại mấy câu này của một tác giả yêu thích, Lâm Ngữ Đường, sao mà thấm thía.
Ngày nào đó, đọc lại cuốn sách từng khiến ta say mê, và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra những góc nhìn khác, những cảm xúc khác, những trăn trở cũng đã rất khác so với ngày xưa…
Mình đặc biệt thích những cuốn sách về phiêu lưu: Dế mèn phiêu lưu ký, chuyến du hành vào lòng đất, những cuộc phiêu lưu của Hucklebbery, thám hiểm miệng núi lửa…Thuở nhỏ, hoàn toàn không nghĩ rằng những câu chuyện phiêu lưu ấy cũng thầm ẩn chứa quan điểm chính trị của tác giả…Nhưng nó vẫn ở đó chờ đợi một ngày ta đủ lớn để nhận ra!
Ai đó đã nói đại ý rằng, nếu không chịu đọc sách, thì dẫu có đi vạn nẻo đường cũng chỉ là anh đưa thư.
Có người đọc cho biết, có người đọc để hiểu, có người đọc và cảm. Và cũng chỉ có “cảm” mới thực sự dẫn lối, giúp ta “đi vạn nẻo đường”, sống cuộc đời khác, mở ra những chân trời khác.
Với mình, tuổi đẹp nhất để đọc sách, chính là thơ ấu, là tuổi trẻ. Lúc ta còn đọc vì tò mò, vì thích vì yêu, không phải để đối nhân xử thế được lòng thiên hạ, không phải để bán được hàng, quảng cáo hay quản lý… hoàn toàn không vụ lợi, nhưng đó lại là cái được lớn nhất của một tuổi thơ bên những trang sách.
Dù có thể ta không hiểu hết, không cảm được hết ngay lúc đó, nhưng những con chữ rất kỳ diệu, như mạch nước ngầm chảy trong tâm hồn, dòng nước mát của nuôi dưỡng và giữ gìn, bảo vệ và lan tỏa, bình an và yêu thương…
Ngày mưa rả rích, nghĩ đến “Sống đẹp” của Lâm Ngữ Đường để yêu đời, yêu cái thú thưởng mưa, nghe mưa.
Bản gốc “The Importance of living”